Câu chuyện kaigo đặc biệt của chị Bình – học viên chịu khó nhất JJS
Chị Bình là học viên lớn tuổi nhất JJS. Năm nay chị 44 tuổi và là năm thứ 4 chị sinh sống và làm việc tại Nhật. Ở độ tuổi này thường người ta sẽ chọn sống quây quần bên gia đình người thân nhưng chị Bình lại chọn con đường đến Nhật Bản. Vì sao chị lại có quyết định này và 4 năm qua chị trải qua cuộc sống ở Nhật như thế nào chúng ta cùng tìm hiểu nha!
1. Vì sao chị lại quyết định đến Nhật ở độ tuổi này ạ?
Vì thời điểm đó gia đình cũng khá khó khăn nên chị muốn đến Nhật Bản để kiếm thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống cũng như học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài. Nhật Bản là đất nước phát triển sẽ có rất nhiều điều để chúng ta học hỏi. Với chị thì nếu muốn học hỏi thì ở độ tuổi nào cũng sẽ không bao giờ là muộn. Thêm nữa thời điểm của chị lúc còn trẻ, rất ít cơ hội có thể đến Nhật nên khi thấy Nhật Bản có tuyển dụng lao động ngành may mặc – ngành chị đã có kinh nghiệm khi còn ở Việt Nam, chị đã ứng tuyển ngay.
2.Vì sao chị lại chuyển sang Kaigo mà không tiếp tục ngành may mặc?
Khi chị kết thúc 3 năm do tiếng của chị cũng kém nên đã thi trượt kì thi Senmonkyu ( kỳ thi chuyên ngành ). Lúc đó chị chưa muốn về nước mà muốn ở lại Nhật để trải nghiệm nhiều hơn thì may là chị có một người bạn làm ở ngành kaigo đã định hướng cho chị đến với ngành kaigo. Thông qua tìm hiểu trên internet chị thấy ngành kaigo cũng là một ngành rất tiềm năng nên chị đã đăng ký thi chứng chỉ tokutei và chính thức chuyển việc sang.
3.So với ngành may mặc là ngành chị đã có bề dày kinh nghiệm thì khi chuyển sang ngành kaigo chị thấy như thế nào?
Khi làm ở ngành may vì chị đã có kinh nghiệm trong ngành này nhiều năm nên đối với chị công việc rất nhàn, không cần phải sử dụng nhiều tiếng Nhật. Nhưng khi chuyển qua ngành kaigo này ngoài giao tiếp thường xuyên với nhân viên công ty ra thì chị cũng phải giao tiếp với các cụ ở đây. Ban đầu cũng khá áp lực vì vốn tiếng Nhật ít ỏi nhưng nhờ giao tiếp thường xuyên chị đã tự tin về tiêng Nhật hơn. Thật sự lúc đầu chị chọn ngành kaigo cũng một phần muốn trao dồi để giao tiếp có thể tốt hơn nên sau gần 1 năm làm việc chị thấy ngôn ngữ của chị được cải thiện tốt hơn rất nhiều.
4.Chị có thấy khó khăn nhiều trong ngành kaigo này không?
Thật sự thì ban đầu chị rất khó khăn, vừa phải nghe rất nhiều tiếng Nhật vừa phải học kanji để có thể viết báo cáo hằng ngày. Cho đến bây giờ việc dùng máy tính đánh máy để viết báo cáo hang ngày vẫn rất khó nhưng nhờ đồng nghiệp xung quanh hướng dẫn từng chút một nên chị đã tiến bộ hơn trước rất nhiều. Thêm nữa là việc nắm bắt tâm lí cũng như phải hiểu rõ từng cụ cũng là mộtviệc khá khó. Vì là công việc liên quan đến tính mạng của các cụ nên mọi việc làm đều phải hết sức cẩn thận. Hơn nữa chị cũng khá lớn tuổi nên việc học và ghi nhớ với chị lại càng khó hơn. Nên ở căn phòng nơi chị đang sống chị viết rất nhiều ngữ pháp, từ vựng tiếng Nhật để khi làm việc gì chị cũng dễ dàng nhìn thấy và ghi nhớ tốt hơn.
Và đây là hình ảnh trên bức tường căn phòng của chị.